Lịch sử khí tượng Bão Chapala (2015)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Vào ngày 26 tháng 10 năm 2015 một vùng áp suất thấp đã hình thành trên Biển Ả Rập.[2] Ban đầu hệ thống phát triển chậm và đến ngày 28 Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã phân loại nó là một áp thấp nhiệt đới.[3] Sau đó trong cùng ngày Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đã ban hành một Cảnh báo về sự hình thành của xoáy thuận nhiệt đới,[4] còn IMD thì nâng cấp áp thấp lên thành áp thấp mạnh (deep depression).[5] Tiếp theo, quá trình tăng cường tiếp tục, thúc đẩy IMD nâng cấp hệ thống lên thành một cơn bão xoáy và đặt tên cho nó là Chapala.[6]

Với nhiệt độ nước biển ấm và độ đứt gió theo chiều thẳng đứng thấp, Chapala đã mạnh lên cấp bão xoáy dữ dội rồi đến bão xoáy rất dữ dội trong đêm ngày 29 tháng 10.[7][8] Sang ngày 30 cơn bão trải qua quá trình tăng cường nhanh chóng và trở thành một cơn bão xoáy cực kỳ dữ dội trong thang phân loại của IMD.[9] Một con mắt sắc nét có bề rộng 22 km (14 dặm) xuất hiện và dòng thổi ra mãnh liệt đã cung cấp môi trường lưu thông gió phong phú trên tầng cao. Dựa vào những ước tính cường độ dựa vào ảnh vệ tinh theo kỹ thuật Dvorak, JTWC đã nhận định Chapala là một xoáy thuận đạt cấp độ tương đương bão cấp 4 trong thang Saffir–Simpson tại thời điểm 06:00 UTC với sức gió duy trì một phút tối đa 250 km/giờ (155 dặm/giờ).[10] Theo ước tính này Chapala đã trở thành cơn bão mạnh thứ hai từng được ghi nhận trên Biển Ả Rập, chỉ đứng sau bão Gonu năm 2007.[11] Trong khi đó IMD ước tính Chapala đạt đỉnh với sức gió duy trì ba phút 210 km/giờ (130 dặm/giờ) cùng áp suất tối thiểu 940 hPa (27,76 inHg).[12]

Ban đầu, Chapala được dự kiến sẽ tăng cường thêm nữa để trở thành một siêu bão xoáy, cấp cao nhất trong thang phân loại của IMD;[12] tuy nhiên không khí khô đã cuốn vào trong hoàn lưu của cơn bão[13] làm suy giảm đối lưu sâu dẫn đến một sự suy yếu xảy ra sau đó.[14] Trong phần lớn ngày 31 cấu trúc của Chapala dần suy thoái, dù vậy nó vẫn giữ được một con mắt rõ nét có đường kính 5 km (3,1 dặm).[15] Sự suy yếu tạm giảm bớt vào cuối ngày với việc đối lưu quanh lõi phần nào được phục hồi.[16] Ngày tiếp theo, sau khi suy yếu đi một chút, mắt bão đã mở rộng kích thước với bề rộng tăng lên 37 km (23 dặm) khi cơn bão di chuyển qua ngay sát phía Bắc đảo Socotra.[17] Điều này đánh dấu lần đầu tiên ghi nhận sự tác động của sức gió tương ứng cấp độ bão cuồng phong đến khu vực này kể từ năm 1922.[18] Vào ngày 2 tháng 11 Chapala tiến vào vịnh Aden, trở thành xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất từng tồn tại ở khu vực này được biết đến.[19][20] Trong khoảng giữa 01:00 và 02:00 UTC ngày 3 tháng 11 Chapala đổ bộ vào vùng duyên hải Tây Nam Al Mukalla, Yemen với cấp độ bão xoáy rất dữ dội, dù sau đó nó đã ngay lập tức suy yếu xuống bão xoáy dữ dội.[21] Chapala là cơn bão đầu tiên đổ bộ Yemen với cường độ bão cuồng phong từng được ghi nhận trong lịch sử (dựa theo sức gió của JTWC và thang Saffir–Simpson).[22] Địa hình ghồ ghề đã khiến cơn bão suy yếu trầm trọng và nó được ghi nhận lần cuối là một vùng áp suất thấp trong ngày hôm sau.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão Chapala (2015) http://www.cnn.com/2015/11/02/middleeast/yemen-tro... http://gulfnews.com/news/gulf/yemen/cyclone-chapal... http://www.modernindianbabynames.com/meaning_of_be... http://www.wunderground.com/blog/JeffMasters/comme... http://weather.noaa.gov/pub/data/raw/wt/wtio31.pgt... http://www.rsmcnewdelhi.imd.gov.in/images/bulletin... http://www.webcitation.org/6ccJBI8i0 http://www.webcitation.org/6ccJSIWLd http://www.webcitation.org/6ccNsbQPc http://www.webcitation.org/6ceorpPmf